Muốn chăm con khỏe mạnh từ nhỏ, hãy bắt đầu từ hệ tiêu hóa!

0
391
Chị Linh, có con đầu lòng được 12 tháng, đứng ngồi không yên, chỉ vì đường tiêu hóa của con. Chị chia sẻ: “Con bị rối loạn tiêu hóa, mấy ngày không đi ngoài. Còn mình thì “rối loạn” tâm trí, stress kinh khủng, cảm giác như đứng ngồi trên đống lửa”. Có bệnh vái tứ phương, ai mách sao chị Linh đều làm theo. Chị Linh đọc hết tài liệu trên mạng, hỏi han khắp nơi, áp dụng từ bài thuốc dân gian đến tây y.
Sau khi tìm hiểu, chị Linh mới biết, hầu hết nguyên nhân gây táo bón của trẻ đều bắt nguồn từ sai lầm dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt như: Lười vận động, chế độ ăn giàu đạm, nghèo chất xơ, ăn ít rau, uống ít nước… Tuy nhiên, có một nguyên nhân rất đáng lưu tâm là chế độ ăn nhiều chất đạm khó tiêu khiến hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé hoạt động quá tải, không hấp thụ hết dẫn đến đầy bụng, táo bón. Trộm vía sau một tháng điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, chị Linh cho con uống nhiều nước, hạn chế cho con ăn các loại đạm khó hấp thu và uống men tiêu hóa thì con đỡ hẳn.
Nỗi trăn trở của chị Linh cũng là trăn trở của hàng triệu bà mẹ trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trong 500 triệu bé dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng, 30% trường hợp có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp do rối loạn tiêu hóa. Số liệu của Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy, tỷ lệ bé có biểu hiện rối loạn tiêu hóa chiếm tới 47% trong tổng số bé tới tư vấn và khám bệnh tại đây. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi bị rối loạn tiêu hóa lên đến 59,2%, từ 1 đến 2 tuổi là 39,9%.
Theo các chuyên gia, trẻ em thường xuyên mắc các vấn đề về hệ tiêu hóa, nếu mẹ không biết xử trí kịp thời con sẽ bị đầy hơi, biếng ăn… ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Rối loạn tiêu hóa dẫn đến việc trẻ kém hấp thu dinh dưỡng, có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, chậm tăng cân, tăng chiều cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức đề kháng và trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn.
Trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ ăn tốt và ngủ ngoan; ít bị táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi; phát triển tốt về cân nặng, chiều cao lẫn trí thông minh; da niêm mịn và hồng hào.
Hệ hô hấp giúp trẻ hít thở, hệ tim mạch giúp đưa máu đi khắp cơ thể, còn hệ tiêu hóa như một cỗ máy giúp trẻ tiếp nhận, tiêu hóa, hấp thu thức ăn và thải các chất độc không tiêu hóa ra khỏi cơ thể. Hệ tiêu hoá của trẻ ví như cây non nếu được hấp thụ nước và quang hợp đều đặn sẽ khiến cây phát triển cứng cáp, khoẻ mạnh và chống được các loại sâu bệnh. Đây cũng chính là nơi giúp trẻ “nạp năng lượng và dưỡng chất” mỗi ngày, khởi nguồn cho một cơ thể phát triển tốt.
Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng, đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và kết thúc ở hậu môn. Khi hệ tiêu hóa không khỏe mạnh, bé sẽ ăn kém, hấp thu kém hoặc không đào thải được chất cặn bã. Nếu xảy ra trong giai đoạn vàng, hệ tiêu hoá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của bé trong tương lai cả về thể chất và trí não.
Theo công bố của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, 80% khả năng miễn dịch của trẻ ở đường ruột. Khi đường ruột có vấn đề trẻ dễ rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn tái đi tái lại. PGS. TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Bàng, Phó Chủ tịch Phân Hội Tiêu hóa Nhi khoa Việt Nam, cho biết: “Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ, còn mong manh nên rất dễ bị tổn thương. Đường tiêu hóa là nơi tạo ra sức đề kháng đầu tiên cho cơ thể – kháng thể IgA chống lại những thứ có hại cho cơ thể”.