![]() |
Ông Jerry Lim – CEO Grab tại Việt Nam (người ngồi giữa) trong các buổi tranh luận tại tòa. |
Theo đó, VKS cho rằng Grab đã lợi dụng Đề án 24 để điều hành dịch vụ vận tải như thu cước, quản lý tài xế, quyết định thưởng phạt tài xế, quy định mức chiết khấu, thực hiện các chương trình khuyến mãi… Do vậy có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
VKS cũng khẳng định vụ việc này thuộc quyền giải quyết của Tòa Kinh tế TAND TP.HCM vì Vinasun và Grab đều là doanh nghiệp, đang tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Từ các lập luận trên, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng. Do có các tình tiết phức tạp nên HĐXX quyết định nghị án, đến 14h ngày 29/10 sẽ tuyên.
Như Infonet đã thông tin, Vinasun khởi kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) để “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Vinasun khẳng định, Grab không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối, mà thực tế đã trực tiếp kinh doanh, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách.
Vinasun cho biết, trong năm 2016 và 2 quý đầu năm 2017, Vinasun đã bị mất 75 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi đó tính đến tháng 6/2017, Grab đăng ký gần 13.000 xe (Uber gần 11.000 xe), từ đó Vinasun quy rằng Grab đã gây thiệt hại cho hãng này khoảng 41,2 tỉ đồng.
Vinasun cũng quy kết Grab đã “lợi dụng đề án 24” để thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng với Vinasun. Công ty này yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại một lần ngay khi bản án/quyết định của tòa án có hiệu lực.
Trong khi đó, tại phiên xử đầu tiên, phía Grab từng bác bỏ cáo buộc và cho rằng dịch vụ của họ đã tạo điều kiện cho hành khách đi lại dễ dàng, tạo cạnh tranh giữa các hãng, đồng thời nhận định rằng cách tính thiệt hại của Vinasun là không có cơ sở.
Trong những ngày xét hỏi của qua, phía Vinasun bảo lưu các ý kiến nêu trên. Họ khẳng định Grab đã vi phạm Đề án 24, kinh doanh dịch vụ taxi trái luật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, lũng đoạn thị trường…
Đáp lại, Grab nhấn mạnh, mình chỉ cung ứng ứng dụng kết nối vận tải hành khách. Grab cũng cho rằng Vinasun nên “tự nhìn lại” lý do khách hàng rời bỏ mình thay vì thực hiện một vụ kiện như đang làm.
Đây là lần thứ 4 phiên tòa được mở. Trước đó, phiên tòa từng diễn ra 3 lần nhưng một lần bị tạm hoãn (6/2/2018), một lần bị tạm đình chỉ (7/3/2018) và một lần Grab có đơn xin hoãn (23/9/2018).
Nguồn: infonet.vn