Thanh toán điện tử phải về nông thôn
Tuyên Quang
(TBVTSG) – Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng cho dịch vụ thanh toán điện tử. Song thực tế cho thấy hoạt động thanh toán điện tử chủ yếu mới phát triển mạnh ở các thành phố lớn. Trong khi người dân sống ở khu vực nông thôn chiếm tới 70% dân số Việt Nam chủ yếu vẫn đang dùng tiền mặt trong mua bán hằng ngày.
Thanh toán điện tử được hiểu là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện điện tử như thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử… Đây là xu hướng chung của thế giới, giúp người tiêu dùng không phải mang theo tiền mặt, không lo trộm cướp. Hình thức thanh toán này đem lại lợi ích cho nền kinh tế là không phải chi phí cho việc in ấn, duy trì lưu thông tiền mặt…
Theo một công bố mới đây của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 4,9% lượng giao dịch. Trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Mặc dù thương mại điện tử tại Việt Nam có mức phát triển nhanh trong khu vực, tỷ lệ thanh toán trực tuyến lại rất thấp. Người dân đặt mua hàng qua mạng nhiều nhưng lại chọn cách thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. Nghĩa là giao dịch bằng tiền mặt vẫn phổ biến.
Đầu tư cho hạ tầng thanh toán ở nông thôn
Tham dự cuộc hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” diễn ra vào ngày 28-9, ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng nông thôn còn ít. Vùng sâu, vùng xa hoặc nông thôn có ghi nhận sự gia tăng về số lượng tài khoản ngân hàng tại Việt Nam nhưng việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống vẫn còn thấp. Thêm nữa hệ thống máy rút tiền tự động, máy chấp nhận thanh toán thẻ được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… trong khi đó, ở khu vực nông thôn, miền núi còn ít, không thuận tiện cho chủ thẻ sử dụng hằng ngày.
Còn ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết hiện chưa có khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ đại lý ngân hàng tại vùng sâu, vùng xa khiến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân còn thấp. Do đó ông Sơn đề xuất ngoài việc cần phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, cần ghiên cứu xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình đại lý ngân hàng.
Mở cửa thanh toán di động cho nhà mạng
Nhận thấy cơ hội lớn từ thanh toán điện tử do gần như 100% dân số đã sử dụng dịch vụ di động, có hạ tầng mạng lưới khắp cả nước nên mới đây các nhà mạng đã đề xuất được tham gia vào cung cấp dịch vụ này.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra vào giữa tháng 9 vừa qua, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, cho rằng trong khi thế giới đã phát triển mạnh thanh toán điện tử nhưng tại Việt Nam triển khai khá chậm. “Để thanh toán điện tử thì người dân cần có tài khoản ngân hàng. Trong khi việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới 100% dân số là khá khó khăn. Trong khi các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rộng cả nước, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi. Đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử”, ông Long nói. Còn vị Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel Tào Đức Thắng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử.
Theo các số liệu hiện có, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu khách thuê bao di động. Trong đó, hơn 70% người dân thành thị và hơn 50% người ở nông thôn sử dụng điện thoại thông minh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phương thức thanh toán qua điện thoại di động. Nhất là trong bối cảnh dịch vụ ngân hàng còn thưa thớt ở khu vực nông thôn.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng hiện các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều là các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng và các kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước. Do đó, việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử sẽ giúp tận dụng hữu hiệu các thế mạnh sẵn có góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Bộ này cũng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng và các doanh nghiệp, các doanh nghiệp và cá nhân. Đồng thời đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ở nước ngoài, việc tham gia của các công ty viễn thông vào hoạt động thanh toán điện tử khá nhiều. Do mạng lưới viễn thông hiện rộng hơn mạng lưới ngân hàng nhiều nên việc cho phép công ty viễn thông thực hiện thanh toán sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc thanh toán không dùng tiền mặt. Song cần đảm bảo tài khoản thanh toán trong trường hợp bị mất điện thoại.
Cũng tán thành việc cho các công ty viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử, song chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng cần đưa ra một số điều kiện về năng lực tài chính, công nghệ, con người, hệ thống kiểm soát rủi ro, đặc biệt rủi ro liên quan đến ví điện tử, kiểm soát chống rửa tiền, đánh bạc… Trong ba năm gần đây, tốc độ thanh toán điện tử tăng trung bình từ 15 – 17% mỗi năm. Con số này có thể sẽ còn tăng thêm khi có sự tham gia của các công ty viễn thông.
Nguồn: thesaigontimes.vn