Loay hoay trên sân nhà
Chí Thịnh
(TBVTSG) – Dù các ứng dụng gọi xe trong nước đang chiếm số đông nhưng trên thực tế thị phần dịch vụ gọi xe (ô tô lẫn xe máy) vẫn đang nằm trong tay của hai doanh nghiệp nước ngoài là Grab và Go-Viet. Có những ứng dụng gọi xe Việt ra mắt đã lâu nhưng vẫn loanh quanh với những sự hạn chế của mình và trở nên thất thế.
![]() |
FastGo là ứng dụng gọi xe mới tham gia thị trường Việt Nam. Ảnh: Hữu Nguyễn. |
Ngoài chuyện thiếu nguồn lực tài chính dẫn đến việc đầu tư cho các dự án kế tiếp bị hạn chế và cũng không thể đua bằng phương án khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng thì thiếu một hệ sinh thái hoàn chỉnh cũng góp phần làm các dịch vụ xe công nghệ trong nước chưa thể cạnh tranh ngang bằng với các dịch vụ xe công nghệ nước ngoài Grab, Go-Viet.
Chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh
Cho đến nay, trong nước có khoảng mười thương hiệu vận hành dịch vụ xe công nghệ, như Vato, FastGo, Go-ixe, T.Net, Xelo, Hana… Các thương hiệu này chủ yếu tìm cách “so găng” với Grab bằng chiến thuật không thu chiết khấu (trích phần trăm doanh thu) của tài xế, giá cước thấp hơn Grab và không nhân giá vào giờ cao điểm.
Theo một số chuyên gia công nghệ, cách thức không nhân giá giờ cao điểm, lúc thiếu xe… của ứng dụng gọi xe Việt ngược với Grab nhưng cũng giúp cho công ty trong nước có được lợi thế khi một số khách hàng “né” nhân giá giờ cao điểm của Grab, chuyển qua gọi xe bằng Vato, FastGo… Tuy nhiên, cách thức này không được giới tài xế chạy “taxi công nghệ” ưa thích vì bị ảnh hưởng về mức thu nhập.
Trên thực tế, từ lúc vận hành dự án khởi nghiệp, cả Grab cũng như Go-Jek đã hoạch định lộ trình phát triển hệ sinh thái với nhiều mô hình dịch vụ khác nhau. Nhìn vào ứng dụng Grab sẽ thấy có dịch vụ vận chuyển hành khách GrabCar, GrabBike, giao nhận GrabExpress, đặt món ăn và giao nhận GrabFood, đặt xe đi tỉnh Grab tỉnh… Còn Go-Jek có tới 17 dịch vụ khác nhau bao gồm vận chuyển hành khách Go-Ride và GoCar, giao nhận Go-Send, đặt món ăn và giao nhận Go-Food, mua sắm tạp hóa Go-Mark…
Trong khi đó, hầu hết các công ty khởi nghiệp gọi xe trong nước vẫn chưa có lộ trình rõ ràng cho việc phát triển hệ sinh thái, tích hợp nhiều loại dịch vụ tiện ích cho người sử dụng. Nếu chỉ làm ứng dụng gọi xe bao gồm xe riêng (bike/car), kết nối taxi (như VatoTaxi hoặc Go-Taxi của Go-ixe) vẫn chưa đủ; khó lòng giữ chân khách hàng luôn dùng dịch vụ của mình.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM kiêm Phó chủ tịch Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TPHCM, nhận định: Người tiêu dùng đang cần tới những ứng dụng có thể cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau (PV: giống như hệ sinh thái của Grab) mà các công ty khởi nghiệp trong nước chưa thực hiện được. Điều này sẽ khiến cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam khó lòng cạnh tranh với các doanh nghiệp và ứng dụng nước ngoài.
Trên thực tế là vậy, những công ty khởi nghiệp “thuần Việt” như Go-ixe hoặc Hana dù đã triển khai ứng dụng gọi xe khá lâu nhưng vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh với Grab hoặc gần đây là Go-Viet (với Go-Jek chống lưng). Có những công ty khởi nghiệp đã giới thiệu một loạt dịch vụ như vận chuyển hành khách (car, bike, taxi, xe du lịch… nhưng chỉ nắm giữ được khách hàng
Từng bước thâm nhập thị trường
Đó là cách làm hiện nay của các doanh nghiệp phát triển ứng dụng gọi xe trong nước để tránh đối đầu trực diện với các “ông lớn” như Uber, Grab…
Ở giai đoạn đầu, công ty khởi nghiệp gọi xe Go-ixe đã xác định mình là kênh trung gian, phát triển ứng dụng kết nối với các hãng taxi (dịch vụ Go-Taxi). Ông Hàng Bá Trí, người sáng lập Go-ixe, cho biết mục tiêu ban đầu của Go-ixe là ứng dụng công nghệ để kết nối các hãng taxi, giúp khách hàng gọi taxi bằng ứng dụng di động. Các doanh nghiệp kinh doanh taxi thay vì phải phát triển ứng dụng riêng, có thể kết nối với Go-ixe để cung cấp dịch vụ gọi xe cho khách hàng. Ở một số địa phương, có nhiều người dân vẫn chưa biết đến việc sử dụng điện thoại thông minh để đặt xe, do đó Go-ixe đã triển khai cả phương thức truyền thống là gọi xe qua tổng đài kết hợp với đặt xe qua ứng dụng. Cho dù khách hàng gọi xe bằng cách nào (gọi qua ứng dụng hay điện thoại) cũng dễ dàng đặt xe tới đón.
Trong khi đó, FastGo với sự hậu thuẫn của Tập đoàn công nghệ NextTech, ngay từ đầu đã có tham vọng mở rộng thị trường nên đã tìm cách phát triển ứng dụng khác. Sau khi ra mắt ở Hà Nội vào tháng 6 năm nay, FastGo ngay lập tức triển khai tiếp dịch vụ ở TPHCM vào đầu tháng 8, kế tiếp là Đà Nẵng vào tháng 9 vừa qua.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc công ty cổ phần FastGo Việt Nam, cho biết công ty sẽ phát triển ứng dụng của mình thành một hệ sinh thái với nhiều dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng. FastGo dự kiến sẽ có được 30-40% mức thị phần ứng dụng gọi xe trong vòng hai năm nữa và sẽ mở dịch vụ gọi xe ở nhiều tỉnh thành khác nhau (ngoài Hà Nội và TPHCM).
Theo kế hoạch được công bố, FastGo sẽ mở rộng dịch vụ ra tám thành phố lớn trong năm 2018 và toàn quốc vào 2019. Công ty này cũng đặt ra mục tiêu có 5 đến 10 triệu người dùng trong vòng ba năm tới. Sau gần ba tháng chính thức hoạt động, FastGo ghi nhận có gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại Hà Nội và TPHCM. Với mục tiêu trở thành ứng dụng gọi xe Việt đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, FastGo nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và tin dùng bởi khách hàng cũng như các đối tác lái xe. Bên cạnh các dịch vụ FastCar (chuyên chở khách bằng ôtô, FastTaxi (kết nối taxi), FastLuxury (đặt xe hạng sang) và FastBike (xe ôm công nghệ), FastGo dự kiến sẽ ra mắt một số dịch vụ mới là FastPost (chuyển phát thư và văn bản) và FastMoney (dịch vụ tài chính cá nhân) trong thời gian tới.
Còn ứng dụng gọi xe Vato dù ra đời khá lâu, từ tháng 5-2016 với tên gọi FaceCar nhưng hiện vẫn đang loay hoay tìm cách mở rộng thị trường – nơi sự cạnh tranh thực sự rất gay gắt với những Grab, Go-Viet. Vato cũng tính đến việc kết nối với các hãng taxi nhưng sự hợp tác này vẫn chưa diễn ra êm đẹp (các doanh nghiệp taxi lớn vẫn muốn làm ứng dụng riêng). Do đó, Vato chỉ khoanh lại các dịch vụ chính là VatoCar và VatoBike; đặc biệt dịch vụ VatoBike đang được đẩy mạnh. Có khả năng Vato sẽ phát triển thêm dịch vụ Vato Delivery nhằm tận dụng nguồn tài xế VatoBike để chuyển phát (dùng xe máy chuyên chở hàng hóa). Hiện tại, các tài xế VatoBike đã bắt đầu tham gia đón khách ở các bến bãi của công ty cổ phần xe khách Phương Trang (nhà đầu tư, đối tác kinh doanh Vato). Đây sẽ là cơ hội cho tài xế VatoBike có thêm lượng khách hàng đông đảo (khoảng 50.000 khách hàng sử dụng Futa Bus Line).
Gần đây, Công ty cổ phần thương mại điện tử Vận Thông (sở hữu thương hiệu Vato) đã cấp phát đồng phục VatoBike, tăng cường hoạt động nhận diện thương hiệu… nhằm thu hút khách hàng gọi xe VatoBike.
Nguồn: thesaigontimes.vn