Các start-up Đông Nam Á vướng rào cản thanh toán trực tuyến

0
351

Các start-up Đông Nam Á vướng rào cản thanh toán trực tuyến

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Tỷ lệ thâm nhập thị trường của thẻ tín dụng thấp và sự thiếu vắng nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động thống lĩnh ở Đông Nam Á là những mối thách thức lớn nhất để các công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ mở rộng sự hiện diện trong khu vực.

Đông Nam Á giữa làn sóng thanh toán di động

Mua sắm trực tuyến nhưng thanh toán trực tiếp

Lãnh đạo của các start-up công nghệ Đông Nam Á dự một cuộc thảo luận tại Hội nghị Trung Quốc ở Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 10-10. Ảnh: SCMP

Đó là ghi nhận của lãnh đạo của các start-up công nghệ Đông Nam Á tại Hội nghị Trung Quốc (China Conference) do tờ South China Morning Post tổ chức ở Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 10-10.

Muhammad Fajrin Rasyid, người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty thương mại điện tử Bukalapak (Indonesia), cho biết tại Indonesia, thị trường lớn nhất khu vực với tổng dân số 261 triệu người, khâu thanh toán vẫn là vấn đề khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến. Ông nói nhiều người dân Indonesia (cũng như trong khu vực Đông Nam Á) không sử dụng thẻ tín dụng, thay vào đó, họ chủ yếu sử dụng tiền mặt và chuyển khoản ngân hàng để thanh toán.

Rasyid cho rằng việc chậm đón nhận thanh toán trực tuyến cũng có nghĩa là thị trường thương mại điện tử của Indonesia vẫn còn dư địa phát triển rất lớn. “Chỉ 10% dân số Indonesia mua sắm trực tuyến”, Rasyid nói và giải thích rằng sở dĩ tỷ lệ người mua sắm trực tuyến còn thấp là vì nhiều người dân không biết cách thanh toán trực tuyến.

Việc chậm đón nhận thanh toán trực tuyến cũng có nghĩa là các công ty như Bukalapak hay nền tảng đặt tour trực tuyến Klook (Hồng Kông) phải chấp nhận các phương thức thanh toán offline để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Bukalapak đang hợp tác với khoảng 300.000 tiệm tạp hóa gia đình trên khắp Indonesia để phục vụ như những đại lý thu tiền hộ. Các chủ tiệm tạp hóa này sẽ giúp khách đặt mua hàng trực tuyến từ Bukalapak và thay mặt công ty này nhận tiền mặt thanh toán của khách hàng.

Anita Ngai, Giám đốc doanh thu của Klook, cho biết công ty này đã mở những hội chợ du lịch ở các thành phố như Manila (Philippines), nơi có nhiều khu mua sắm mà người dân địa phương thường ghé đến. Nhiều khách hàng không muốn điền thông tin chi tiết thẻ tín dụng của họ vào ứng dụng Klook để đặt các gói tour, do vậy, công ty đã làm việc với các hãng phát hành thẻ tín dụng trả trước (prepaid credit card) để họ lắp đặt những quầy bán thẻ trả trước ở các khu mua sắm này. Khách có thể mua thẻ trả trước để thanh toán các gói tour.

Một cản trở lớn đối với thanh toán trực tuyến ở Đông Nam Á là mỗi thị trường trong khu vực đều có quá nhiều các dịch vụ ví điện tử do nhiều công ty khác nhau cung cấp, khiến lĩnh vực thanh toán trở nên bị phân mảnh và gây bối rối cho những khách hàng muốn thanh toán trực tuyến vì ví điện tử mà họ đang sử dụng có thể không được chấp nhận tại một cửa hàng vốn đang sử dụng ví điện tử khác. Ngay cả một thị trường nhỏ như Singapore cũng đã có 27 dịch vụ ví điện tử, theo Zack Yang Zhan, người đồng sáng lập Công ty công nghệ tài chính FOMO Pay (Singapore).

Zhan cho biết nền tảng FOMO Pay cho phép khách hàng mua sắm và thanh toán bằng nhiều ví điện tử khác nhau.

Sau khi đăng ký dịch vụ của FOMO Pay, các doanh nghiệp có thể tiếp nhận thanh toán của khách hàng mua sắm bằng nhiều ví điện tử khác nhau như Grab Pay, Alipay, Wechat Pay, Samsung Pay, Baidu Wallet…

Nhiều người dân ở khu vực Đông Nam Á không sử dụng phương thức thanh toán di động vì lo ngại các vấn đề an ninh. Stephan Neumeier, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của công ty an ninh mạng Kaspersky Lab (Nga), cho rằng khi thương mại điện tử thúc đẩy thanh toán di động và các giao dịch trực tuyến ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp trong khu vực phải nhận thức rằng an ninh là yêu cầu cấp bách và cần được tích hợp vào các hệ thống thanh toán di động.

Neumeier cảnh báo tội phạm mạng có thể chèn mã độc vào các mã QR (mã phản hồi nhanh) và tấn công các thiết bị quét các mã bị nhiễm độc này. “Nếu bạn cho tiền một người ăn xin trên đường phố bằng cách quét mã QR của người này mà không hề nghi ngờ gì thì đó là điều sai lầm”, ông nói.

Nguồn: thesaigontimes.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.